Cô dâu 15 tuổi từ chối làm... gái điếm


Vụ án bạo hành gia đình ở Afghanistan mà nạn nhân là cô dâu mới 15 tuổi đang khiến dư luận thế giới kinh hãi về mức độ tàn nhẫn và phi nhân tính. Tổng thống Hamid Karzai sẽ đích thân xem xét vụ việc này.



Sahar Gul khi vừa được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần suy sụp - Ảnh: Daily  …


“Chúng tôi gặp Sahar Gul vài ngày trước. Khi nhìn thấy chúng tôi, Sahar đã khóc òa lên. Cô bé đang trong tình trạng tâm lý bị suy sụp nặng nề, khắp thân người đầy những vết bầm tím. Dù không nói được nhiều, Sahar vẫn nói với chúng tôi là muốn chồng và gia đình chồng bị bắt vào tù” - luật sư Mạng lưới phụ nữ Afghanistan Wida Latif cho biết.

Một biểu tượng nhức nhối


“Sahar cần được chăm sóc đặc biệt. Chúng tôi dự định gặp tổng thống và yêu cầu ông bố trí cho Sahar một chỗ để sinh sống. Hoặc nếu không chúng tôi sẽ đưa Sahar đến nhà mở, để rồi số phận của cô bé sẽ bị quên lãng như rất nhiều người phụ nữ sống ở đây” - luật sư Latif cho biết thêm.

Từ ngày 27-12-2011 đến nay, hình ảnh gương mặt bầm tím, cặp mắt đau buồn và sưng húp, thể trạng suy sụp của bé gái Sahar Gul được đăng tải đầy rẫy trên báo chí thế giới như một biểu tượng nhức nhối về nạn bạo hành phụ nữ ở đất nước Trung Á này.

Bảy tháng trước, Sahar bị ép phải lấy chồng khi anh trai bán em lấy 5.000 USD. Cảnh sát tìm thấy em bị nhốt trong hầm tối ở nhà chồng tại tỉnh Baghlan, miền tây bắc. Họ được biết em đã ở đó suốt sáu tháng trời trong thiếu thốn đồ ăn và nước uống. Theo thông tin ban đầu, em đã bị chồng, gia đình chồng giam giữ, tra tấn, đánh đập và đốt cháy vì không chịu kiếm tiền cho họ bằng nghề... bán thân!

Sức khỏe của Sahar rất nguy kịch khi được khẩn cấp đưa tới bệnh viện ở Polikhomri. Các bác sĩ cho biết em bị đa chấn thương, gãy xương vai, vỡ đầu, móng tay bị rút, mắt thâm quầng sưng húp sáu ngày chưa mở ra được, trên người nhiều vết bỏng do đầu thuốc lá gí vào. Sau khi điều trị tạm ổn định, em được chuyển qua bệnh viện ở thủ đô Kabul. Quan chức Bộ Y tế Soraya Dalil cho biết sức khỏe của em sẽ được cải thiện trong vài tháng tới, nhưng hậu quả tâm lý rất nặng nề có thể đeo đuổi em suốt đời.

Trong nỗi bức xúc của dư luận Afghanistan và thế giới, Tổng thống Karzai đã đích thân tới thăm Sahar trong bệnh viện. Ông yêu cầu các cơ quan pháp luật phải xử lý nghiêm minh vụ việc. Mẹ chồng, chị chồng và cha chồng của Sahar đều đã bị bắt, nhưng riêng chồng Sahar làm việc trong quân đội thì vẫn đang lẩn trốn.


Sahar Gul đang được điều trị ở Bệnh viện Kabul sau khi bị gia đình chồng tra tấn vì không chịu làm điếm kiếm tiền …


Cách duy nhất chống lại bạo lực: tự sát!


Câu chuyện của Sahar Gul dường như chỉ là một trong vô số những thảm cảnh mà phụ nữ Afghanistan hằng ngày phải gánh chịu. Nỗi sợ hãi vì bị trả thù, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” vì “xấu chàng hổ thiếp”, đã khiến biết bao câu chuyện bạo hành gia đình vẫn bị giữ kín sau cánh cửa mỗi gia đình.

Ở Afghanistan, đem công lý cuộc đời đến với họ không chỉ khiến họ bị dư luận dòm ngó, mà còn khiến họ bị đe dọa tới tính mạng do những kẻ phạm tội sẽ tìm cách trả thù. Vì luật pháp không nghiêm, những kẻ đánh đập, tra tấn phụ nữ đã không bị trừng phạt vì tội lỗi mình gây ra.

Theo một nghiên cứu, 39% những người bị cáo buộc cưỡng bức hay bạo lực với phụ nữ lại được những kẻ có quyền, có tiền, có ảnh hưởng ở địa phương nâng đỡ. Vì vậy, những người này thường thoát được “lưới trời”.

LHQ ước tính ở Afghanistan khoảng một nửa số bé gái bị buộc lấy chồng khi chưa đầy 15 tuổi. Theo số liệu của Tổ chức Oxfam, 87% phụ nữ nước này bị bạo lực tâm lý, tình dục và thể chất hoặc bị cưỡng bức hôn nhân. Tháng 12-2011, Văn phòng UNAMA của LHQ ở Kabul đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ Afghanistan vì không đưa được luật xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Theo báo cáo của UNAMA, 2.299 ca bạo lực với phụ nữ được ghi nhận từ tháng 3-2010 đến tháng 6-2011, nhưng chỉ có 26 ca được xử lý và tòa án chỉ xử được 7% số kẻ vi phạm. Riêng quý 2-2011, Ủy ban Nhân quyền độc lập của Afghanistan đã ghi nhận 1.026 ca bạo lực chống phụ nữ, so với 2.700 ca trong cả năm 2010.

Aziza Khair Andesh thuộc Mạng lưới xã hội dân sự ở tỉnh Heart cho rằng vì luật không nghiêm nên những phụ nữ càng tin cách duy nhất để chống lại bạo hành chính là tự sát.

Nguồn: Tuổi trẻ
  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • Twitter
  • RSS

0 Response to "Cô dâu 15 tuổi từ chối làm... gái điếm"

Đăng nhận xét