CON TỰ KỶ, BỐ NGỠ... THẦN ĐỒNG


Nghĩ rằng con mình có biệt tài, nhiều bậc phụ huynh đã quyết định đưa con đến với các cuộc thi, hoặc tung con lên mạng, lên báo, mong mỏi con trở thành những vì sao sáng chói. Họ đâu biết, cái gọi là tài năng thiên bẩm kia bao đứa trẻ khác cũng có thể làm được!

Con tự kỷ, bố ngỡ... thần đồng

Cách đây không lâu tại khoa tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, phụ huynh Ngô Thanh Liêm, 35 tuổi cứ tranh cãi với bác sĩ chuyên khoa về trường hợp đứa con trai ba tuổi của mình. Anh khăng khăng rằng con mình có biệt tài riêng, biết đọc từ lúc mới hai tuổi. Bất cứ tài liệu, sách vở nào bắt gặp, cháu cũng có thể đọc và thuộc vanh vách, nhất là các thể loại thơ. Vì gần đây đêm nào cháu cũng quấy khóc, không chịu ngủ, nên vợ chồng anh Liêm phải đưa con đi khám.





Khi bác sĩ kiểm tra, đứa trẻ không hề để ý đến lời nói, hành động của người khác mà chỉ thích tập trung vào những việc của riêng mình, thường xuyên la hét và chạy nhảy, phá vỡ đồ đạc, đưa truyện cổ tích bảo đọc thì thằng bé chỉ đọc những gì có trong đầu. Bác sĩ cho biết con trai anh Liêm có biểu hiện của bệnh tự kỷ, cần phải điều trị! Mặc dù chấp nhận cho con chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ, nhưng anh Liêm vẫn chắc mẩm con mình tài năng hiếm có. Gặp ai anh cũng bảo: “Thằng con tôi lạ lắm, hai tuổi đã biết làm thơ, thêm vài tuổi nữa sẽ cho nó đi thi tài năng!”

Ảo tưởng ở lại biệt tài ra đi

Đứa trẻ năm, sáu tuổi đã biết hát, biết nhảy như Michael Jackson không dễ tìm, nhưng cũng không phải quá hiếm. Vậy mà khi nhận thấy “tài lạ” ở con cái, việc trước tiên của nhiều ông bố, bà mẹ là dẫn con đến với các cuộc thi. Khi những cuộc thi vượt quá sức lực của đứa trẻ, bố mẹ sẵn sàng bỏ cả đống tiền đưa con vào các lớp đào tạo tài năng mà không cần biết khả năng thật sự của con họ như thế nào. Họ đã vô tình gieo ảo tưởng vào đầu đứa trẻ, để rồi khi kết quả không như mong muốn, đứa trẻ tội nghiệp tổn thương bởi chính sự thất vọng của người lớn.

Người mẫu Thuý Hạnh hiện đang là giám khảo của một cuộc thi tìm kiếm tài năng, chia sẻ về một số điều trong thời gian diễn ra cuộc thi: “Rất nhiều thí sinh mới sáu, bảy tuổi khi tham gia cuộc thi không mảy may quan tâm đến việc phải thắng, phải được vào vòng trong. Nếu có rớt, các cháu vẫn vui vẻ ra về, đó mới đúng là bản chất trẻ con. Nhưng bên cạnh đó, vẫn không ít các bé đi thi mà như thi giùm cho sự khát khao của người lớn. Tôi có trò chuyện, hỏi ý nguyện một vài cháu, thì dường như các cháu đến với cuộc thi mà không có bất kỳ sự yêu thích nào. Những cháu này đã được thầy cô, bố mẹ tập luyện kỹ càng. Nhưng những gì các cháu được tập luyện trước đó đi lệch với khả năng thật sự của mình, vì vậy mà không đạt tiêu chuẩn cuộc thi đưa ra. Tôi ủng hộ chuyện bố mẹ đưa con tham gia các chương trình tài năng, nhưng bố mẹ đừng quá đặt nặng chuyện thắng thua lên vai con trẻ. Hãy để con tự làm những gì hợp với sức lực của nó”.

Chuyên gia tâm lý Trần Văn Dương, giám đốc trung tâm Tâm lý giáo dục và trị liệu trẻ em TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Không phải cha mẹ nào cũng đủ nhạy cảm và kỹ năng để đánh giá đúng khả năng của con cái. Không thể với vài ba câu hát, điệu nhảy bắt chước thì đã tự tin cho rằng con mình tài năng thiên bẩm. Để xác định tài năng con trẻ, người lớn cần đánh giá trên các tiêu chí: khách quan, công tâm, chính xác, khoa học.
Lời khen quá mức có thể phản tác dụng, lại gây áp lực cho đứa trẻ. Con bạn có nguy cơ là nạn nhân khủng hoảng tâm lý từ dư luận. Đánh giá một năng lực phải dựa trên nền tảng của khả năng đích thực trong một hoạt động cụ thể. Mỗi lĩnh vực, đều có những chuyên gia và các tổ chức uy tín có thể thẩm định và cho cha mẹ những lời khuyên hữu ích về định hướng tương lai cho con trẻ. Khi đó chúng ta tin rằng cha mẹ sẽ có được giải pháp thoả đáng và quan trọng hơn, giúp con cái tránh được áp lực dẫn đến bị tổn thương và tìm lại giá trị của chính mình”.

Nguồn: SGTT
  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • Twitter
  • RSS

0 Response to "CON TỰ KỶ, BỐ NGỠ... THẦN ĐỒNG"

Đăng nhận xét