Trẻ em Afghanistan mơ về tương lai với âm nhạc

Sayed Elham ngồi đánh piano và chìm đắm trong những giai điệu của Chopin, trên con đường thực hiện giấc mơ trở thành nghệ sỹ dương cầm nổi tiếng nhất Afghanistan. Em cũng là một trong những sinh viên tốt nghiệp chính thức của học viện âm nhạc duy nhất tại đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này.

Giấc mơ về tương lai âm nhạc của những đứa trẻ. (Nguồn: AP)
Được truyền cảm hứng bởi người cha là ca sỹ, cậu nhóc 14 tuổi này chơi đàn năm tiếng mỗi ngày để tiếp bước những thần tượng âm nhạc của cậu: ca sĩ Ahmad Zahir người Afghanistan nổi tiếng vào thập niên 70 và nhóm nhạc heavy metal của Mỹ mang tên “System Of A Down.”

“Cháu yêu âm nhạc của Chopin, bởi chúng tràn đầy cảm xúc,” cậu nhóc vừa trả lời vừa tung chiếc balo đi học xuống sàn, rồi chạy ngay đến bên chiếc piano để chơi một bản nhạc dân ca Afghanistan tràn đầy những xúc cảm buồn vui lẫn lộn.

Học viện âm nhạc Quốc gia Afghanistan đã được tái sinh sau sự sụp đổ của phe Taliban. Trước đó phe này đã viện dẫn một cách cứng nhắc các điều luật của đạo Hồi để cấm chơi các loại nhạc cụ. Ngôi trường này đã được mở cửa trở lại hai năm và đặt tại phía Tây Kabul.

Ngôi trường này tràn ngập các tài năng trẻ đến từ mọi miền đất nước, đồng thời tại đây còn nhận các trẻ em cơ nhỡ trên những con phố của thủ đô vào học, đem lại một tia hi vọng cho tương lai của vùng đất bị chiến tranh tàn phá.

Giấc mơ của Elham rất giản dị: “Cháu chỉ muốn trở thành một giáo viên tốt và được chơi ở một buổi hòa nhạc lớn.”

Ngôi trường này trực thuộc Bộ Giáo dục với đóng góp lớn đến từ Anh, Đức và Đan Mạch. Các giáo viên đến từ Mỹ và Nga tìm cách phát triển cho những mầm non tài năng tại đây.

“Trường chúng tôi từng có một giáo viên dương cầm người Nga. Chỉ trong ba tháng, Elham đã học được những gì mà bình thường người ta phải mất ba năm,” hiệu trưởng Ahmad Sarmast cho biết, và tin rằng nền công nghiệp điện ảnh và âm nhạc non nớt của nước mình sẽ đem lại nhiều cơ hội cho những người tài năng nhất.

Những lo ngại về việc tổ chức Taliban có thể trở lại và cản trở những nỗ lực chấm dứt một thập kỷ chiến tranh tại đây vẫn không thể làm chùn bước Sarmast và những học sinh trẻ của ông - những cô cậu bé hàng ngày cất tiếng nhạc vang khắp các hành lang trường học.

Mái trường này còn là nơi dạy cho trẻ em các môn khoa học cơ bản và tiếng Anh, đồng thời khuyến khích bộc lộ bản thân, những thứ chưa bao giờ được cho phép theo luật Hồi Giáo.

Toàn bộ 140 học sinh đều đứng vào một căn phòng để tạo thành một dàn nhạc, biểu diễn bản nhạc “Prayer for Peace” (Cầu nguyện cho hòa bình) - tiếng kèn đồng, sáo, các giọng hát, tiếng của dây đàn, bộ gõ cùng những nhạc cụ truyền thống của Afghanistan hòa vào nhau tạo thành một thông điệp chứa chan niềm hy vọng.

Sarmast, từng được đào tạo tại Mátxcơva và sống tại Australia trước khi trở về Afghanistan năm 2008, từ chối nói chuyện về việc Taliban trở lại và hiện đang làm hai dự án đầy hứa hẹn.

Ông muốn đưa dàn nhạc trẻ của mình tới biểu diện tại trung tâm Carnegie Hall (New York) và Kennedy Center (Washington) năm tới, cũng như tạo nên một dàn nhạc giao hưởng tầm quốc tế.

“Điều đó sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới cộng đồng quốc tế rằng đã có nhiều thay đổi và hy vọng mới tại đất nước này,” Samarst chia sẻ. “Hy vọng chưa bao giờ chết ở Afghanistan và niềm cảm hứng vẫn còn đây, lòng quyết tâm vẫn còn đây và mọi người đều rất nỗ lực. Đây là một sự thay đổi tích cực sau 10 năm.”

Một trong những câu chuyện về sự thành công tại học viện là về cô bé 14 tuổi Fakria, người giống như bao trẻ em Afghanistan khác khi chỉ có một cái tên và là một trong số một phần ba nữ sinh của trường - một quota được đặt ra nhằm lấy lại công bằng cho phụ nữ tại đây, nơi mà đa phần vẫn phải vật lộn để có một sự nghiệp học hành tử tế trong xã hội mà ảnh hưởng của đạo Hồi là rất lớn.

Được phát hiện khi sống dưới một căn hầm dành cho trẻ em đường phố hai năm trước, cô bé đã từ bỏ cuộc đời đi bán kẹo cao su, đánh giày để tới một cuộc sống mới và được đi học, cũng như cơ hội được học nhạc cụ ưa thích của em: cây đàn cello.

Giờ đây ngôi trường cho em 25 đô la mỗi tháng gửi về gia đình, cũng như học bổng toàn phần bao gồm quần áo, thức ăn và cây đàn yêu thích của em.

Chơi nhạc một cách đầy đam mê, cô bé thể hiện một vẻ đẹp đầy mạnh mẽ trong âm nhạc của mình, có lẽ bắt nguồn từ khởi đầu đầy khó khăn trong cuộc sống.

“Cháu yêu cây đàn cello và cháu ước mong sau này mình sẽ trở thành một nhạc công giỏi và có thể phục vụ đất nước mình,” cô bé cho biết. “Nếu cháu biểu diễn tốt, cháu có thể tới và chơi nhạc ở những nước khác, cũng như học hỏi và chia sẻ thêm về âm nhạc."
Nguồn: vietnamplus.vn
  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • Twitter
  • RSS

0 Response to "Trẻ em Afghanistan mơ về tương lai với âm nhạc"

Đăng nhận xét