Trẻ con bây giờ chơi ở đâu?

Các khu vui chơi luôn tấp nập vào mỗi buổi chiều thứ bảy, chủ nhật bởi những nơi này đang là điểm đến của các bạn nhỏ để giải trí. Nhưng thời gian gần đây đang vắng dần, bởi nơi đây giờ không được như trước mà thay vào đó là các tệ nạn đang vây quanh.
.

Khu vui chơi tại Công viên Văn Hóa Đống Đa thời gian gần đây thiếu vắng trẻ chơi
Khu vui chơi tại Công viên Văn Hóa Đống Đa thời gian gần đây thiếu vắng trẻ chơi

Chuyện yêu của giới trẻ

Bên ngoài cổng vào tại các khu vui chơi hay công viên theo chúng tôi quan sát thì ở đâu cũng có tấm biển ghi cấm những người vào chơi không được vứt rác bừa bãi, giữ văn minh nơi công cộng... Thế nhưng không mấy ai đọc và quan tâm đến những quy định đó mà thỏa sức “xả” ra những tệ nạn tại nơi mà hàng ngày có rất nhiều các em nhỏ đang vui chơi, đùa nghịch.
Cứ mỗi buổi chiều thứ 7, hay là vào các buổi chiều trong tuần tại các khu vui chơi luôn nhộn nhịp, tấp nập người ra vào. Cũng chính những thời điểm này các khu vui chơi lại hứng chịu những tệ nạn xảy ra.

Để tìm hiểu thêm tình trạng tệ nạn nơi đây, PV chúng tôi đã có cuộc khảo sát một số công viên, khu vui chơi trên địa bàn Hà Nội. Dạo quanh một vòng công viên Nghĩa Đô thuộc quận Cầu Giấy, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến các bạn trẻ đang biến khu vui chơi giải trí cộng cộng thành chốn riêng tư của họ, với những hành động âu yếm không được “vừa mắt” nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Trò chuyện với ông Việt, cán bộ nghỉ hưu ở phường Văn Hoa, (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên dẫn cháu ra công viên chơi, ông bức xúc: “Tôi thường xuyên đưa cháu ra đây chơi nhưng thấy các bạn trẻ yêu đương lộ liễu, nên tôi cũng ngần ngại, mỗi lần đi mệt muốn tìm ghế đá nào đó nghỉ cũng khó”.

Những hình ảnh đẹp nơi công viên đã dần mất đi mà thay vào đó là những tệ nạn khiến các bậc phụ huynh khi đưa con ra đây vui chơi chỉ biết lắc đầu trước những thắc mắc của các em nhỏ mà người lớn chưa có lời câu trả lời.
Cùng chung suy nghĩ như ông Việt, bà Hoa ở Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) thở dài: “Lớp trẻ bây giờ rảnh rỗi quá nên sinh ra lắm trò, mỗi lần đưa cháu ra đây chơi tôi bức xúc lắm chứ, nhưng tôi chỉ biết nói “đùa đùa thật thật’với cháu tôi khi cháu thấy cảnh đó là do người ta học dốt, nên mới làm như thế”.

Một sinh viên trường Đại học QGHN thường xuyên chọn công viên, hoặc khu vui chơi để giải trí khi tan trường cho biết: “Thực ra chuyện yêu đương, đưa nhau ra đây tâm sự thì không ai cấm và tôi không có ý phản đối nhưng khi các bạn yêu nhau thì phải đúng lúc và đúng chỗ, công viên là khu vui chơi đâu chỉ có người lớn mà các em nhỏ cũng thường xuyên chọn đây là nơi giải trí. Tôi chỉ muốn khuyên các bạn rằng làm gì thì làm nhưng hãy nhớ rằng đằng sau các bạn đang có hàng trăm các em nhỏ đang nhìn bạn”.

Hàng hóa bủa vây

Lúc công viên nhộn nhịp, khu vui chơi tấp nập người vào chơi là lúc các mặt hàng được bày bán, các mẹt hàng rong, nước uống, quán nhậu… Dạo quanh các khu vui chơi thì nơi nào cũng phải có hàng trăm người bán hàng rong.

Các mặt hàng được bày bán tại đây nếu mỗi người có ý thức đi một tý thì sẽ không xảy ra nhiều vấn đề đáng nói. Nhưng họ chỉ biết bán hàng chứ họ không biết bảo vệ môi trường nơi họ đang ngồi bán.

Để nói đến vấn đề hàng hóa nơi khu vui chơi chúng tôi đã mục sở thị tại công viên Văn hóa Đống Đa. Tại đây chúng tôi mới thấy được cảnh bán hàng ở công viên đang là vấn đề nhức nhối.

Khu công viên Văn hóa Đống Đa phía giáp gần với đường Tây Sơn là nơi dành cho trẻ con vui chơi. Thế nhưng ngay bên ngoài chỉ cách chừng 2 mét phía ngoài hàng rào, các hàng ăn uống di động đang được bán cho  khách đi đường ghé vào đó ăn rất đông.

Điều đáng nói ở đây là các quán ăn di động này chủ yếu bán các đồ ăn, gây ô nhiễm trầm trọng và làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cho các em nhỏ khi đến đây để vui chơi.

Nói đến việc bán hàng ở đây một bác xe ôm gần công viên cho biết: “Ở đây cứ khoảng 4 đến 5 giờ chiều là hàng ăn, quán “bún đậu mắm tôm” lại được bày bán cho tới 7gìơ tối”. Nói đến việc ảnh hưởng đến các cháu nhỏ khi tới chơi ở đây bác cho biết thêm “ngay chúng tôi chạy xe ôm đây cũng không chịu nổi mùi hôi mà sau khi các quán dọn hàng về huống gì các cháu nhỏ. Tôi đã chứng kiến nhiều bậc phụ huynh khi đưa con ra khỏi khu vui chơi phàn nàn lần sau không tới đây nữa vì mùi của “bún đậu” bay vào không chịu được.”

Theo quan sát của chúng tôi thì phía trên hàng rào của công viên có treo biển là phần đường dành cho người đi bộ, không được để xe, bán hàng rong. Nhưng có lẽ nhưng biển cấm đó treo cho có chứ người bán cũng như người ăn họ không quan tâm. Họ không biết được rằng mỗi lần quán hàng bán xong của họ là gây thêm một phần ô nhiễm môi trường cho xã hội và cho chính bản thân họ.

Khu vui chơi dành riêng cho trẻ con của công viên Văn hóa Đống Đa được lắp đặt rất hoành tráng với nhiều thể loại trò chơi cho trẻ nhỏ nhưng thời gian gần đây đang rất vắng thỉnh thoảng có vài ba cháu nhỏ leo lên chơi, các vật dụng tại đây đang có dấu hiệu hoen gỉ.

Ngoài những tệ nạn nêu trên đây đang làm cho những khu vui chơi của trẻ con đang dần bị lạm dụng thì một tệ nạn khác mà không chỉ các bậc phụ huynh có con nhỏ đi chơi tại các khu công viên mà các cơ quan chức năng cũng đang đâu đầu. Đó là trộm cắp, ma túy, mại dâm… tại các khu vui chơi đang trỗi dậy.  Tại đây các đối tượng lợi dụng đông người nên đã có nhiều thủ đoạn lừa lọc, trộm cắp hay lớn hơn nữa là có thể xảy ra bắt cóc trẻ em lúc nào không hay. Hiện nay nạn bắt cóc trẻ em đang nổi lên điển hình vừa qua là vụ bắt cóc trẻ em tại bênh viện Phụ sản TW, hay vụ án bắt cóc em bé tại cung thiếu nhi Hà Nội vào giữa tháng 6.

Chuyện yêu của giới trẻ, những việc làm của các quán hàng ăn di động hay các tệ nạn khác đang từng ngày làm cho các khu vui chơi thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”là câu nói bao hàm đầy ý nghĩa về trẻ em. Đấy là tương lai của nhân loại, của thế giới, của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng.
Mỗi chúng ta hãy chung tay bảo vệ một xã hội trong sạch, bảo vệ những khu vui chơi dành cho trẻ em. Để đưa lại cho trẻ thơ một thế giới vui chơi lành mạnh không có các tệ nạn xã hội.

Nguồn: xaluan.com
  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • Twitter
  • RSS