Hai ngày hôm nay, chị Hoài Minh tất bật với việc chăm sóc hai đứa
con, một lên 7 tuổi, một lên 4 tuổi bị đau mắt đỏ và xổ mũi liên tục.
“Con lớn vừa đi học trở lại sau kỳ nghỉ hè được 2 hôm thì bị lây bệnh
đau mắt đỏ. Về nhà, mình cách ly luôn với con bé, ít cho hai bé tiếp
xúc nhau mà cuối cùng, cả hai chị em cùng bị. Cả hai đứa cùng phải nghỉ
học khiến mình quay cuồng mệt mỏi. Nguyên chuyện vệ sinh mắt cho mỗi đứa
ngày 3 - 4 lần cũng đã ngốn hết thời gian”, chị Hoài nói.
Không bị đau mắt đỏ, nhưng bé Nguyễn Hải Anh (12 tháng tuổi) lại bị
ho rũ rượi vì bị viêm tiểu phế quản. Mẹ bé Anh cho biết: “Bà giúp việc
có việc đột xuất phải về, tôi quyết tâm cho con đi học. Vừa đi được ngày
thứ 3 thì ho, sốt. Nghĩ bé chỉ bị sốt vi-rút thông thường, tôi chỉ cho
con uống si-rô ho và thuốc hạ sốt, nhưng bé ho từng cơn như quốc kêu.
Không ngờ đến đi khám, bác sĩ cho nhập viện vì phải điều trị do bé bị
viêm tiểu phế quản”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, trung
bình một ngày khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 200 - 250
trẻ đến khám, trong đó quá nửa là do sốt vi-rút và bệnh đường hô hấp.
“Các ca đến khám buổi tối đại đa số đều là sốt, ho....”.
Theo TS Dũng, thời tiết giao mùa là một yếu tố thuận lợi cho dịch
bệnh phát triển.Ở trong môi trường luôn có sự biến động nhiệt độ, nửa
đêm về sáng trời lạnh, trưa chiều nóng bức khiến cơ thể trẻ khó thích
nghi với sự thay đổi này. Chỉ sơ sểnh một chút trong chăm sóc trẻ là có
thể khiến trẻ đổ bệnh.
“Tối hôm đó ăn cơm xong bé vẫn nhảy ầm ầm. Vậy mà đêm đang ngủ, chạm
vào con thấy nóng bỏng, trong khi bố mẹ thì co cả người vì lạnh. Vội
nhảy dậy đo nhiệt độ cho con thấy đến 39 độ C, hai vợ chồng vội vàng cho
con hạ sốt rồi đưa thẳng vào khoa Nhi khám. Khám xong bác sĩ cũng chỉ
cho thuốc hạ sốt rồi về theo dõi vì bé sốt vi rút”, chị Linh (Hào Nam,
Đống Đa) kể.
Bệnh trầm trọng vì tự làm “bác sĩ”
|
Bệnh nhi sơ sinh phải nằm theo dõi tại phòng Cấp cứu khoa Nhi (BV Bạch Mai) vì viêm phổi |
Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) thời điểm hiện tại, số bệnh nhân phải
nhập viện điều trị các bệnh hô hấp chủ yếu là trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
Trong số đó, không ít trẻ bệnh thêm trầm trọng dẫn đến biến chứng viêm
phổi vì bố mẹ tự làm bác sĩ.
“Mình ở chung cư, một tầng có đến 5 trẻ 5 - 6 tháng tuổi như con nhà
mình. Ba hôm trước bé sốt, có húng hắng ho giống hệt biểu hiện của em bé
hàng xóm. Con nhỏ mình ngại đưa đi khám mà mua thuốc giống hệt đơn của
bé ấy cho con uống, vì các bé cùng tháng, cân nặng cũng tương đương,
nhưng cô bé đó khỏi, con mình ngày càng ho nặng và khi nhập viện, bác sĩ
nghe phổi nghi ngờ viêm phổi, kết quả chụp X - quang phổi đúng là như
vậy. Giá như mình đưa con đi khám sớm hơn, bé sẽ không phải nhập viện
điều trị và tiêm đau đớn vậy”, chị Lê Thị Linh (CT2A, khu đô thị Xa La)
đang chăm con tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) kể.
Theo BS Dũng, đây là một sai lầm rất đáng trách của các bà mẹ. “Việc
tự chữa cho con, chữa theo đơn của bé khác… khiến nhiều trẻ bị biến
chứng nặng là viêm phổi, viêm tiểu phế quản do vi rút rất nặng. Những bé
này thời gian điều trị sẽ lâu hơn, tốn kém hơn do phải dùng các loại
thuốc đắt tiền hơn”, TS Dũng nói.
TS Dũng cho biết thêm, tình trạng tự làm bác sĩ của các bà mẹ ngày
càng phổ biến. Họ lý giải, đưa con đi khám, thấy bác sĩ nghe nghe, nhòm
vào miệng con thế là xong, kê đơn cũng chẳng có gì đặc biệt, sốt vi rút
thì không dùng kháng sinh, mà nhiễm khuẩn thì vẫn kê các loại kháng sinh
thông thường nên lần sau, họ tự biến mình thành bác sĩ.
“Người bệnh hồn nhiên nghĩ bác sĩ chỉ yêu cầu bệnh nhân “há miệng kê
đơn” mà không hiểu, đơn thuốc là sản phẩm trí tuệ của bác sĩ, phải có
nghề, được học hành mới có thể nhìn vào vòm họng cháu mà biết bé viêm
họng do nhiễm khuẩn hay vi-rút. Vì thế, việc sưu tầm đơn thuốc rồi dùng
theo rất nguy hiểm.
Bởi trên thực tế, đơn thuốc có cái chỉ có giá trị
trong một ngày, có đơn giá trị 2 - 3 ngày. Tùy theo mức cấp tính, mà
người thầy thuốc cho đơn xong, phải tính đến việc thay đổi đơn thuốc nên
mới hẹn khám lại. Ngay cả một đợt điều trị cũng có sự thay đổi đơn thì
lần sau không thể cứ thấy có triệu chứng là dùng lại đơn đó. Bởi biểu
hiện bệnh có thể giống nhau, chứ ngốc gác bệnh là khác nhau”, TS Dũng
khẳng định.
Theo TS Dũng, để người bác sĩ khám phân phân biệt vi-rút hay vi khuẩn
đã khó huống hồ chỉ định kháng sinh. Dùng kháng sinh gì, liều bao
nhiêu, cho thời gian bao lâu… là cả một nghệ thuật, trình độ của bác sĩ.
Không học, cứ hồn nhiên cho con dùng thuốc tưởng là giỏi, là tiết kiệm,
không mất thời gian, không phải đưa con đến viện là một sai lầm. Từ
những viêm nhiễm thông thường đường hô hấp trên có thể biến chứng viêm
phổi, điều trị tốn kém, lâu dài, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Vì thế, với trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi cha mẹ cần theo
dõi sát diễn biến của con để kịp thời nhập viện. Cha mẹ cần theo dõi trẻ
có bú bình thường không, có ngủ thở rít lõm lồng ngực hơn bình thường
không, ngủ có như bình thường không… Thấy bất cứ sự bất thường nào cần
đến viện ngay bởi trẻ dưới 6 tháng tuổi diễn tiến bệnh rất nhanh.
Để phòng bệnh cho trẻ, cần tạo một môi trường sạch sẽ, thoáng đãng,
thường xuyên rửa tay xà phòng khi chăm sóc trẻ. Cũng cần lưu ý, trẻ em
không phải là người lớn thu nhỏ. Nhiều người thấy đêm lạnh cũng nghĩ bé
lạnh liền tắt quạt, tắt điều hòa khiến trẻ ra nhiều mồ hôi (lại nghĩ là
mồ hôi trộm) khiến mồ hôi ngấm lạnh lưng, bé rất dễ viêm phổi). Còn khi
thấy trẻ sốt cao, khó chịu, bứt rứt… tốt nhất hãy đưa con đến viện để
được khám và đưa ra lời khuyên tốt nhất.
Nguồn: dantri.com.vn
DATA4KID (bbCat)