Ngăn chặn ngay nạn xâm hại tình dục trẻ em!


Gần đây liên tục xảy ra những vụ trẻ em bị bị hãm hiếp và giết chết làm lòng người sôi sục vì phẫn uất và thương xót.

Nhưng việc này không phải là hiện tượng mới mẻ, nó đã có từ rất lâu trong đời sống xã hội. Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện thời gian qua cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Vì định kiến, vì quan niệm Á đông mà nhiều gia đình cố giấu nhẹm những vụ việc đau lòng trên vì sợ xấu hổ với xóm giềng. Để rồi, hậu quả đau lòng để trẻ con gánh chịu… để rồi những tội ác khốn cùng ấy cứ tái diễn hàng ngày…

Di chứng sẽ theo trẻ suốt đời
Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, chuyên gia ngành phân tích hành vi, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (ĐH Mở TPHCM) để mọi người hiểu hơn về tác hại của xâm hại tình dục đến phát triển tâm sinh lý của trẻ, để chúng ta đủ can đảm lên tiếng tố cáo tội ác, để chúng ta đủ hiểu biết để vạch trần kẻ ác…


Tác hại của xâm hại tình dục đến đời sống của trẻ bị hại

Nghiên cứu cho thấy trẻ em bị xâm hại sau đó thường gặp những vấn đề về tâm lý và hành vi phức tạp, và thường thì ảnh hưởng rất lâu dài. Tuỳ theo mức độ xâm hại, các em luôn lo lắng sợ hãi, thu người lại, xem mình là kẻ bỏ đi, hay trở thành kẻ nổi loạn hoặc trầm cảm. Có em quay trở lại những hành vi thơ trẻ như mút tay, đái dầm, khó ngủ, rối loạn ăn uống, hoặc rối loạn hành vi. Có em còn tìm cách tự tử để tự giải thoát.

Khi trưởng thành, có em mất niềm tin vào người lớn nên luôn huỷ hoại bản thân, sa vào rượu chè, ma tuý, mại dâm. Có em trở thành người có cái nhìn lệch lạc về tình dục gặp khó khăn trong đời sống vợ chồng hay trong những mối quan hệ khác. Có em lại sống trong vòng lẩn quẩn của lạm dụng tình dục và bạo hành. Có em trở thành người luôn che dấu cảm xúc thật hoặc chối bỏ cảm xúc của mình như một cơ chế tự vệ.

Rõ ràng, xâm hại tình dục trẻ em phải bị xử nặng hơn cả tội giết người vì những kẻ xâm hại không phải giết chết 1 mạng người mà giết chết cả 1 cuộc đời!

Những trẻ em nào dễ trở thành nạn nhân của nạn xâm hại tình dục?

Trẻ bị xâm hại tình dục có thể bất kỳ là trai hay gái. Trẻ bị xâm hại tình dục không phải chỉ thuộc ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.  Nghiên cứu cho thấy 85% trẻ bị xâm hại bởi những người quen biết. Những kẻ đó có thể là cha ruột, cha mẹ ghẻ, ông, cậu, chú, anh họ của trẻ. Những kẻ đó có thể là hàng xóm, người giữ trẻ, người trong chùa chiềng, người trong nhà thờ, thầy cô giáo, huấn luyện viên. Những kẻ đó có thể là bất cứ ai có điều kiện gần gũi với trẻ .

Trẻ bị xâm hại tình dục thường là những trẻ cô độc ở chỗ vắng người. Chỗ vắng người này có thể là ngay trong chính căn nhà của trẻ hoặc căn nhà của “người hàng xóm thân thiết” khi không còn ai khác bên cạnh trẻ ngoài kẻ xâm hại. Đây thường là gia đình có 1 người cha độc tài, gia đình thiếu vắng 1 người mẹ hoặc người mẹ không quan tâm gần gũi con cái, hoặc gia đình có người cha đã từng bị xâm hại hay bạo hành lúc còn trẻ.

Những trẻ mồ côi hoặc trẻ em đường phố, và cả trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ chậm phát triển trí tuệ, dễ dàng trở thành mồi ngon cho nạn xâm hại tình duc trẻ em. Những nhóm trẻ này còn dễ bị lạm dụng hơn những trẻ em khác bởi vì các em hoàn toàn đơn độc và bị lệ thuộc vào sự giúp đỡ hay bảo bọc của người khác. Các em còn có thể bị cưỡng ép bán dâm.

Trẻ bị xâm hại tình dục (và hầu hết những trẻ khác) không hề được trang bị kiến thức về xâm hại tình dục và những kỹ năng bảo vệ bản thân. Lẻ ra các em phải được chỉ dạy thế nào là một mối quan hệ lành mạnh, được chỉ dạy để biết rằng có những nơi trên cơ thể mình người khác (bất kể người đó là ai) không được chạm đến, tại sao lại như thế, và nếu bị xâm hại thì các em nên ứng phó như thế nào. Chính vì thế mà những đứa trẻ biết rõ và yêu thương kẻ xâm hại (thí dụ như cha, anh, cậu, chú, người thân quen,…) thường bị mắc kẹt giữa sự mâu thuẩn của tình cảm hay sự trung thành giành cho người đó với cảm giác sai quấy của những điều đã xảy ra. 

Nếu đứa trẻ tìm cách thoát khỏi việc xâm hại, chúng thường bị đe doạ bằng bạo hành hoặc đe doạ rằng chúng sẽ không được yêu thương nữa. Nếu bị xâm hại bởi người thân trong gia đình, trẻ còn lo sợ rằng mọi người trong gia đình sẽ giận dữ với mình, mọi người sẽ xấu hỗ vì mình, hoặc gia đình sẽ tan nát vì mình,… nên trẻ thường im lặng và cam chịu.

Xã hội chúng ta rõ ràng là thiếu một hệ thống hỗ trợ hữu hiệu giúp trẻ học kỹ năng nhận diện nguy cơ bị xâm hại, và để trẻ có thể tự tin tìm đến khi gặp những dấu hiệu cho thấy nguy cơ bị xâm hại.

Những kẻ xâm hại trình dục trẻ em là ai?

Ngoại trừ những kẻ rối loạn tâm thần hoặc ấu dâm (cũng là 1 dạng rối loạn tâm lý), những kẻ xâm hại tình dục trẻ em thường là những kẻ ở vị trí có quyền lực (cha, chú, anh, thầy giáo,…) và tin rằng việc xâm hại của mình sẽ không bị tiết lộ. Những kẻ này thường tìm cách tạo cơ hội để được ở riêng với trẻ và thường dụ dỗ bằng vật chất hoặc hăm doạ trẻ và cả những người khác trong gia đình (nếu người cha trong gia đình là kẻ xâm hại) để không bị tiết lộ.

Những kẻ xâm hại còn là những kẻ nghiện rượu, những kẻ không thoả mãn với đời sống tình dục của mình nên bị ức chế, những kẻ không kiểm soát được cảm xúc, hoặc bị kích thích bởi những film khiêu dâm và biết trẻ đang một mình nơi chỗ vắng, hoặc bắt gặp rồi dụ dỗ trẻ đến nơi vắng vẻ. Trong những trường hợp này trẻ thường bị giết để bịt miệng nếu phản ứng hoặc chống cự.

Nhưng kẻ xâm hại cũng thường được mô tả là nhút nhát (nên không biết cách giải quyết nhu cầu tình dục của bản thân), vô cảm, hoặc đã từng bị xâm hại hay bạo hành khi còn nhỏ.

Tại sao nạn xâm hại tình dục trẻ em vẫn tiếp tục xãy ra hoặc lặp lại nhiều lần?

Kẻ xâm hại cứ tiếp tục lặp lại hành vi của mình bởi vì trẻ im lặng, người thân trong ai đình im lặng, và những người xung quanh im lặng!

Trẻ im lặng vì bị đe doạ hoặc mua chuộc, hoặc đơn giản vì không biết mình bị xâm hại, hoặc không biết nói với ai, nói như thế nào.

Người thân trong gia đình hoặc những người liên quan im lặng vì không có kỹ năng nhận ra những dấu hiệu rằng con em mình đã bị xâm hại, vì xấu hỗ, vì sợ hãi, vì không biết nên xử lý như thế nào hoặc cũng không biết phải dựa vào pháp luật như thế nào khi hệ thống thi hành pháp luật còn chưa rõ ràng hoặc quá phức tạp trong xử lý1.

Những người xung quanh im lặng vì ngại đụng chạm hoặc sợ bị trả thù, đặc biệt là khi kẻ xâm hại là người có thế lực hoặc có tính côn đồ.

Những người có trách nhiệm ở địa phương im lặng vì chưa biết phải xử lý như thế nào vì thiếu quy định chặt chẽ trong luật, và vì người nhà im lặng hoặc không thưa kiện. Hoặc có xử lý những kẻ xâm hại thì cũng chưa đủ sức răn đe1.

Làm thế nào để bảo vệ trẻ?

Trước hết, cần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để mức phạt những kẻ xâm hại đủ sức răn đe. Luật cũng cần qui định mức phạt cho những người biết trẻ bị xâm hại mà bao che hoặc im lặng. Phổ biến và tuyên truyền luật rộng rãi để đảm bảo mọi người dân điều biết và hiểu thấu đáo luật bảo vệ trẻ em cũng như hậu quả mà những kẻ xâm hại sẽ phải nhận lãnh. Cần có nhửng văn bản hướng dẫn cụ thể để những người có trách nhiệm ở địa phương biết những bước cần thiết phải tiến hành khi phát hiện trẻ em bị xâm hại.

Cần tổ chức và phổ biến thông tin về các đường dây nóng về xâm hại tình dục trẻ em đến mọi người. Xây dựng các trung tâm tư vấn có mặt chuyên viên tâm lý hoặc nhân viên xã hội ở từng địa phương để trẻ và người thân biết nơi có thể giúp mình mà tìm đến khi cần thiết. Đây cũng là nơi giúp cha mẹ hoặc người lớn liên quan trang bị những kiến thức và kỹ năng liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Cha mẹ hoặc thầy cô giáo cần dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản về tình dục, về những nguy cơ, và dạy cho trẻ biết là người khác không được phép đụng chạm những phần nào trên cơ thể mình. Nhấn mạnh cho trẻ biết tầm quan trọng của việc cho người lớn biết khi có ai đụng chạm đến những nơi này. Đồng thời giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp để trẻ có thể thoải mái đặt câu hỏi hay kể cho người lớn biết những gì đang xãy ra với mình.

Cha mẹ hoặc nhưng người liên quan đến trẻ cũng nên: học cách nhận diện những dấu hiệu trẻ bị xâm hại, tránh để trẻ một mình, giành thời gian để nghe trẻ nói và để biết trẻ thường ở cạnh ai. Khi phát hiện trẻ bị xâm hại cha mẹ và người liên quan cũng phải biết mình cần làm gì để giúp trẻ hồi phục, cũng như đưa kẻ xâm hại ra trước pháp luật.

-----------

Con số trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều và độ tuổi của các em bị xâm hại ngày càng nhỏ. Những con số đáng sợ này chỉ giảm dần nếu cả xã hội chung tay hành động, chung tay trừng trị đích đáng những kẻ đang huỷ hoại cuộc đời những trẻ em ngây thơ vô tội.

Võ Thị Hoàng Yến
Thạc sĩ chuyên ngành Nghiên cứu hành vi
Giám đốc trung tâm Khuyết tật & Phát triển
Nguồn: Alobacsi
Sưu tầm: Data4kid
  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • Twitter
  • RSS

0 Response to "Ngăn chặn ngay nạn xâm hại tình dục trẻ em!"

Đăng nhận xét