Nơi con trẻ không có Tết Trung thu

Trẻ con sống trên hồ Dầu Tiếng được ngắm trăng trên trời và dưới nước. Chỉ vậy thôi. Ở hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam này, gần 30 năm qua trẻ con chưa có cái Tết Trung thu đúng nghĩa.

Gia đình nghèo khó, trung thu với các em vẫn là sông nước, con đò .



Hồ Dầu Tiếng nằm trên địa bàn hai huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) và Dương Minh Châu (Tây Ninh), hằng năm cung cấp nước tưới cho hơn 50.000 ha đất nông nghiệp của các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An và TPHCM. Những năm sau giải phóng, dân thương hồ từ các miệt rủ nhau đi khai phá, bám trụ tại các dải đất ven lòng hồ. 

Thương hồ tứ xứ, ở gần có Củ Chi, Hóc Môn (TPHCM), Long An, ở xa tận mịt mù miền Tây sông nước, thậm chí nhiều người trước kia chạy loạn hoặc theo con nước sang vùng Biển Hồ (Tonle Sap, Campuchia) mưu sinh, sau cũng theo nhau về dựng chòi, đánh cá trên lòng hồ. Đó là những năm 1980. Sau này, khi hoàn thành xây đập hồ Dầu Tiếng, hàng ngàn cư dân thương hồ bỗng chốc trở thành dân di cư, không hộ khẩu, không đất canh tác. Lũ trẻ sinh ra trên lòng hồ cũng chỉ được cấp giấy chứng sinh. 

Tựu trường, lên núi hái măng

Xóm đảo Tha La (xã Định Thành, Dầu Tiếng, Bình Dương), cái tên nghe đã xót xa. Nằm ở dải đất tận cùng phía Nam ven bờ Dầu Tiếng, hơn 30 hộ dân với gần 100 nhân khẩu sống chênh vênh bên sườn núi Cậu trơ sỏi đá. Xóm trưởng Mai Văn Hương đưa chúng tôi đi thăm từng túp lều lụp xụp dựng theo kiểu nhà sàn rải rác nằm ọp ẹp chạy theo chân núi. Ông Hương kể, năm 1983, ông cùng gia đình và các ghe thương hồ tứ xứ xuôi theo con nước lên hồ Dầu Tiếng kiếm ăn.

 Ngày đó cá tôm vô kể, tuy xa xôi cách trở nhưng không đến nỗi khốn khó như bây giờ. “Khi xây xong đập hồ Dầu Tiếng, người ta bảo đất này để làm du lịch sinh thái, nên bà con lùi về dựng nhà bên sườn núi. Trước mặt là hồ, sau lưng là núi, giờ người ta lại bảo chúng tôi phải di dời. Chẳng còn biết lùi về đâu nữa. Cuộc sống bấp bênh nên con cái chẳng đứa nào học hành tới nơi tới chốn”.

Lại một cái Tết Trung thu sắp qua đi mà các em vẫn không bánh trái, không tiếng trống, không đồ chơi Hái măng, hái nấm, mỗi ngày các em kiếm được 50- 70 ngàn đồng .
 Ngày tựu trường, lũ trẻ xóm đảo Tha La chẳng cần quần áo mới, cặp sách, bút vở làm gì. Chúng mang bộ đồ cũ mèm, đội nón, đeo găng tay vạch rừng vào núi bẻ măng. Em Trần Văn Thái 12 tuổi, mới học lớp 2 đã nghỉ. Hai người chị trước của em cũng bỏ dở việc học, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thấy đứa em út năm nay vào lớp 1 cứ khóc miết không chịu theo mẹ đến trường, thằng anh lầm lì bước lên núi, đi nửa đường quay lại quát: “Đừng có khóc nữa. Lo mà đi học cho biết đọc, biết viết, rồi lúc đó nghỉ đi hái măng với tao!”. 

Từ tháng 6 bắt đầu mùa mưa, mùa của măng, lũ trẻ ở Tha La đã chộn rộn chuẩn bị. Cứ mỗi buổi sáng, chúng lại chia nhau tỏa lên núi. Ra khỏi núi, chúng mang măng ra ngôi chùa gần đó bán cho khách thập phương. Hôm chùa vãn khách, chúng mang ra tỉnh lộ bán. Măng nhỏ cũng hái bằng hết mang về gọt đem ra chợ bán theo ký. Từ mờ sáng đến tối mịt mới giải quyết hết số măng kiếm được trong ngày, kiếm được từ 50-70 ngàn đồng. 

Từ xóm đảo Tha La chạy ngược về phía tây gần 30km, là xóm Nhà Bè (xã Minh Hòa, Dầu Tiếng, Bình Dương). Gần 20 hộ dân với 250 nhân khẩu ở đây sống không điện, không nước, nhiều người không có giấy tờ tùy thân. Ngày trước, đến đây, họ sống trong những chiếc bè nổi trôi trên lòng hồ, vì vậy mà người dân quanh vùng gọi là xóm Nhà Bè. 

Ông Nguyễn Văn Đỏ, xóm trưởng thở dài chỉ lũ trẻ đang chèo đò ngoài hồ, nói: “Trẻ con lòng hồ mới sinh ra đã cho quen với mùi sông nước. Chưa lên mười tuổi đã có thể một mình chèo ghe. Lớn thêm tí nữa là đã theo cha mẹ lênh đênh suốt đêm đi thả lưới, đánh cá. Không có hộ khẩu, tụi nhỏ chỉ học hết cấp 1, không vào được cấp 2. Vì vậy bà con cũng chẳng buồn cho tụi nó đi học. Ở nhà phụ giúp gia đình”.

Trung thu buồn

Gần 30 năm nay, những đứa con của lòng hồ chưa bao giờ biết mùi vị của chiếc bánh trung thu. Một chiếc bánh loại thường cũng đã có giá bằng hai bữa cơm thường ngày của cả đại gia đình. Ông Mai Văn Hương, là người đầu tiên đặt chân đến đảo Tha La: “Từ lúc tôi cùng vài hộ dân đầu tiên theo con nước lên đây khai phá, đến rằm tháng tám cũng chẳng bao giờ nghe tiếng trống múa lân vang lên ở cái xóm nghèo này”. 

Cũng có mấy người bán hàng rong mang bánh trung thu vào bán nhưng đắt quá, dân đảo chẳng dám mua cho con cháu. “Con có thấy người ta bán ngoài chợ nhiều lắm, đẹp lắm mà chưa được ăn bao giờ. Mẹ không mua cho đâu, mẹ bảo phải bán cá để đổi tiền mua gạo”, một đứa trẻ chen ngang. “Mấy năm trước có đoàn từ thiện đi cho xóm mấy cái bánh trung thu, tụi nhỏ chia nhau ăn xong bảo chẳng no gì cả, ăn cơm no bụng hơn”, ông Hương bảo.

Hái măng, hái nấm, mỗi ngày các em kiếm được 50- 70 ngàn đồng.
Đêm trên lòng hồ, dù chưa đúng rằm nhưng ánh trăng đã lênh láng, xa xa từng ánh bạc trải dài. Dân lòng hồ không có điện, nhà nào nhà nấy phải sắm máy phát điện, chạy bằng dầu. Đêm trăng sáng nên bà con tắt điện từ sớm. “Bình thường khoảng 9 giờ tối mới tắt điện ngủ”, một người cho biết. Sáng trăng, lũ trẻ chơi đuổi bắt, chạy tứ tán trên bãi đất bán ngập. “Đêm trung thu trăng sáng, đỡ tốn dầu, tốn điện hơn ngày thường. Vui vậy thôi. Rồi cũng phải đi ngủ sớm để khuya dậy ra hồ thả lưới, kiếm ít cá mai đong gạo”, một người thở dài rồi đứng dậy đi chắt dầu vào can cho chuyến xuồng máy tối nay.

Con có thấy người ta bán bánh Trung thu ngoài chợ nhiều lắm, đẹp lắm mà chưa được ăn bao giờ. Mẹ không mua cho đâu, mẹ bảo phải bán cá để đổi tiền mua gạo” - Một đứa trẻ xóm đảo Tha La

Nguồn: tienphong.vn
DATA4KID (bbCat)




  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • Twitter
  • RSS

0 Response to "Nơi con trẻ không có Tết Trung thu"

Đăng nhận xét